Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam đang xúc tiến, nhưng quy phạm pháp lý an toàn hạt nhân chưa hoàn chỉnh.
Trong thời gian Triển lãm quốc tế Điện hạt nhân diễn ra tại Hà Nội (từ 25 – 27/102012) vấn đề an toàn hạt nhân được nhiều người đề cập đến.
Trong các báo cáo trình bày tại các hội thảo trong khoảng thời gian diễn ra triển lãm quốc tế Điện hạt nhân cho thấy tình hình pháp quy, luật lệ an toàn hạt nhân đối với nhà máy điện hạt nhân ở một số nước. Song hành với động thái tiếp tục chương trình điện hạt nhân sau một khoảng lặng do sự cố Fukushima gây ra là sự khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các luật lệ, pháp quy, cơ cấu về an toàn hạt nhân đối với điện hạt nhân.
Sự chuyển biến mạnh mẽ không chỉ ở những cường quốc công nghiệp điện hạt nhân như Nhật Bản, cả ở các quốc gia bắt đầu đặt chân vào lãnh địa điện hạt nhân như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Nhiều câu hỏi liên quan vấn đề này đã đặt ra cho những người đứng đầu các cơ quan có trọng trách với Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Nhưng các văn bản pháp lý trong lĩnh vực hệ trọng này cho đến nay vẫn còn những bất cập. Ý kiến của Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân gần đây về vấn đề này đã tạo ra sự chú ý của báo giới trong và ngoài nước và sự băn khoăn của những người quan tâm.
Về cơ chế giám sát, theo ông Vương Hữu Tấn, có 2 yếu tố. Một là, chủ đầu tư phải đủ năng lực để quản lý, đảm bảo an toàn cho nhà máy. Hai là, cơ quan quản lý hay còn gọi là cơ quan pháp quy phải thực hiện tốt chức năng giám sát. Nhưng theo ông, luật VN hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng, hiệu quả cho cơ quan pháp quy với chức năng thanh, kiểm tra tính an toàn của nhà máy. Ông Tấn còn cho biết, việc cấp phép hiện nay chia quá nhiều đầu mối: cấp phép xây dựng do Bộ Khoa học & Công nghệ, còn cấp phép vận hành do Bộ Công thương. Trong khi đó, Bộ Công thương lại là cơ quan chủ quản, điều này vi phạm nguyên tắc độc lập trong vấn đề quản lý an toàn quốc tế.
Theo ông Cục trưởng, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật Năng lượng nguyên tử, chúng ta cũng đang nghiên cứu một mô hình quản lý giám sát về điện hạt nhân, đảm bảo các quyết định không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì, nếu nhà máy không đảm bảo an toàn sẽ không được vận hành.
Rõ ràng, còn nhiều việc phải giải quyết về mặt quy phạm pháp lý an toàn hạt nhân liên quan đến nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt sau những bài học kinh nghiệm xương máu từ thảm hoạ Fukushima. Đối với điện hạt nhân, không an toàn, không được vận hành. Hẳn đó là mệnh lệnh của mọi người Việt Nam. Thời gian dành cho các cấp, các ngành, những người được giao phó trọng trách xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân của nước ta còn lại rất ít!
Nhật: Khắc phục ngay sự bất cập
Khi tai nạn xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima cơ chế quản lý hạt nhân của Nhật đã thể hiện những bất cập lớn. Điều này buộc Chính phủ Nhật phải xây dựng ngay một cơ cấu tổ chức quản lý, những quy chuẩn an toàn mới nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân cao nhất cho điện hạt nhân.
Nhật đã thành lập cơ quan pháp quy hạt nhân được giám sát bởi Ủy ban điều tra an toàn hạt nhân. Cơ quan pháp quy hạt nhân thuộc Bộ Môi trường sẽ thống nhất các chức năng có liên quan của các bộ khác nhau và chịu trách nhiệm quản lý về an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân, quan trắc phóng xạ và đồng vị phóng xạ. Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tháng 3/2011, Nhật Bản đã xây dựng và thực hiện 30 biện pháp trong Pháp quy hạt nhân mới để vận hành các nhà máy điện hạt nhân với nội dung ngăn ngừa mất chức năng do lỗi thông thường, ngăn ngừa tai nạn nghiêm trọng và ngăn chặn việc thoát phóng xạ. Các biện pháp bắt buộc các nhà máy điện hạt nhân phải chịu được các trận động đất lên tới 1260 Gal và sóng thần cao tới 11,4 mét trên mực nước biển nhờ có việc đảm bảo nguồn điện và nước làm mát.
UAE: Nhà máy mới, luật lệ mới
Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng đang khẩn trương bổ sung bộ luật mới về trách nhiệm đền bù thiệt hại hạt nhân. Luật quy định các điều khoản và xác định phạm vi trách nhiệm dân sự và bồi thường trong trường hợp tai nạn hạt nhân xảy ra. Luật cũng đặt ra một giới hạn về trách nhiệm pháp lý của nhà vận hành tương đương khoản tiền 694 triệu USD. Nhà vận hành, do đó, cần phải mua bảo hiểm hoặc bảo đảm bằng hình thức tài chính khác không ít hơn khoản tiền nói trên.
Luật về trách nhiệm đền bù hạt nhân được soạn thảo với sự tham vấn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và được xem xét bởi các chuyên gia luật của IAEA để đảm bảo phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan và các nghĩa vụ quốc tế có liên quan. Cơ quan liên bang pháp quy hạt nhân của UAE (FANR) là cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm triển khai luật.
(Theo EVN)